Mọi điều đều thay đổi trước vòng quay thời gian, đặc biệt là thời trang. Suốt chiều dài của lịch sử, thời trang nói chung và trang phục cưới nói riêng có những bước chuyển mình, thay đổi và phát triển. Nàng đã tìm hiểu những đổi khác về phong cách váy cưới trong từng thời kỳ bao giờ chưa? Hãy cùng IDO tìm hiểu những “biến động” Áo cưới Việt Nam xưa và nay trong bài viết dưới đây nhé.
Từ cổ chí kim, lễ cưới được xem là một trong những nghi thức quan trọng nhất đời người, đánh dấu một bước ngoặt mới tạo nên một gia đình nhỏ. Người xưa có câu”cả đời người mới cưới một lần” mang ý nghĩa khẳng định sự quan trọng của buổi lễ. Chính vì vậy các khâu chuẩn bị được chú trọng, kỹ lưỡng. Bất kể giai đoạn nào, chiếc váy cưới luôn là thứ không thể bỏ qua trong lễ cưới của người Việt.
Bởi những cứ liệu lịch sử thời kỳ trước cần phải xem xét lại, IDO chỉ có thể chia sẻ đến cô dâu lịch sử váy cưới và xu hướng lựa chọn đầm cô dâu trong thời gian từ cuối triều Nguyễn đến nay, tức chỉ khoảng 200 năm.
Áo cưới Việt Nam xưa thời nhà Nguyễn
Trang phục cưới truyền thống của người Việt dưới thời Nguyễn chuộng màu xanh, tuy nhiên vẫn có thể bắt gặp tài liệu cho thấy áo dài cưới cô dâu màu đỏ hoặc hồng, thế nhưng màu xanh vẫn là lựa chọn phổ biến hơn cả. Các tài liệu cho biết màu xanh được xem là màu sắc đại diện cho chốn quan trường, biểu tượng cho sự thành danh, sang trọng và quý tộc. Các cô dâu khắp ba miền đều có lối ăn mặc trong ngày cưới khá tương đồng, chuộng dùng cặp lục điều hoặc lam điều (ngoài xanh trong hồng). Mặc dù vậy, một số chi tiết và biến đổi được người thợ may sáng tạo ở lớp áo trong.
Cô dâu miền Bắc thường mặc áo mớ ba, bên trong là hai chiếc áo màu điều, màu vàng hoặc màu xanh thiên lý. Lớp lót trong cùng là màu trắng của vải lụa. Cô dâu đội khăn vấn có định bướm vàng hoặc bạc cùng trang sức bằng vàng, bạc. Bên mạn sườn đeo bộ xà tích, con dao, ống vôi. Đến giai đoạn 1920-1930, cô dâu miền Bắc chủ yếu mặc áo dài cài vạt, khoác áo the thâm hoặc áo dài satin bên ngoài, vạt áo bên trong vẫn giữ nguyên. Đi cùng đó là quần lĩnh hoặc satin đen, hài thêu hạt cườm hoặc guốc gỗ.
Phụ nữ miền Trung lựa chọn mặc một lớp áo màu điều bên trong, kèm lớp vải mỏng màu chàm bên ngoài tạo sắc tím nền nã. Các cô dâu có thể kết hợp quần đen vải sồi hoặc quần trắng bằng satin, đeo kiềng.
Cô dâu và chú rể miền Nam mặc áo thụng rộng xanh bên ngoài, lớp áo lót màu cánh sen. Đến thời kỳ cuối triều đại phong kiến nhà Nguyễn, nhiều cô dâu có xuất thân trong gia đình quan lại hoặc có điều kiện lựa chọn Nhật Bình để hiện trong ngày trọng đại. Đặc trưng của Nhật Bình là hoa văn trang trí hình chữ nhật lớn thêu ngay trước ngực, khắp trang phục cưới đều được thêu nhiều họa tiết, hình phượng và đính kim tuyến lấp lánh. Đặc biệt phần tay áo được may 5 màu sắc khác nhau, tương ứng với âm dương ngũ hành. Ngày nay, Nhật Bình có những biến đổi theo thời đại nhưng vẫn giữ được nhiều chi tiết của thiết kế và giá trị truyền thống.
Trang phục cưới Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ
Những tiệc cưới tổ chức trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thường được “kết hôn vội” nơi chiến hào, trận địa. Chính vì tính cấp bách của thời cuộc, trang phục cưới không khác biệt so với quần áo ngày thường. Điểm khác biệt so với trang phục ngày thường, có lẽ là đồ cưới của cô dâu và chú rể là bộ quần áo mới, chưa mặc bao giờ, ôm thêm bó hoa tươi để biết rằng cô dâu là nhân vật chính của buổi tiệc. Đối với các gia đình có điều kiện, các cô dâu vẫn diện áo dài trắng hoặc sáng nhạt, quần trắng và đi guốc cao gót, cử hành nghi thức cưới đơn giản phù hợp với thời cuộc. Trong đi đó cô dâu nông thôn thuờng diện áo sơ mi trắng, áo bà ba kết hợp quần đen, mang dép mới.
Áo cưới Việt Nam cuối thời kỳ bao cấp
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà, sự giao lưu văn hóa giữa 3 miền cũng như trong nước với ngoài nước, thời trang cưới cũng có những chuyển biến lớn. Đón nhận làn gió mới của thời trang phương Tây, nhiều cô dâu thị thành bắt đầu diện những thiết kế đầm dài màu trắng hoặc vàng. Chiếc váy thường được may gấp nếp ở tay và ngực, phần đuôi váy xòe dài quá gót chân, chiết vùng ngực và eo để làm nổi bật vòng eo nhỏ nhắn và quyến rũ của người mặc. Phụ kiện váy cưới cô dâu thường là voan cưới, giày cao gót màu trắng, găng tay mỏng, vòng cổ ngọc trai và có thể là những chiếc mũ phong cách quý tộc.
Áo cưới Việt Nam hiện đại
Sau những năm 1980, váy cưới cô dâu phong cách phương Tây tiếp tục được ưa chuộng và trở thành một loại trang phục nhất định cần có trong mọi đám cưới khắp 3 miền. Đa phần cô dâu và chú rể lựa chọn diện áo dài cưới truyền thống trong các nghi thức quan trọng như gia tiên, rước dâu. Áo cưới phương Tây được chọn làm trang phục đón khách.
Áo dài cưới cô dâu truyền thống chủ yếu là màu trắng hoặc đỏ có thêu nhiều họa tiết trang trí, phần tay áo loe rộng và vạt áo dài đến ngang ống chân. Phụ kiện đi kèm là khăn vấn truyền thống hoặc voan trắng, đính hoa tươi. Đối với tiệc đãi khách, cô dâu lựa chọn diện những chiếc đầm cô dâu phong cách công chúa với dáng xòe rộng, phần tay may phồng lớn và các chi tiết trang trí tập trung ở ngực và tay áo. Chất liệu váy cưới satin và ren được ưa chuộng hơn cả. Màu sắc cũng rất đa dạng, từ màu trắng truyền thống cho đến đỏ, xanh, hồng, cam, thậm chí nhiều màu sắc kết hợp trên chiếc váy được nhiều nàng dâu lựa chọn.
Từ những năm 2000 đến nay, những thiết kế đầm cô dâu cầu kỳ “nhường sân” cho xu hướng váy cưới đơn giản lên ngôi. Từ kiểu dáng váy cưới cho đến trang điểm, làm tóc, phụ kiện ngày càng đơn giản hóa, tập trung vào vẻ đẹp tự nhiên cùng sự tự tin của cô dâu. Cùng với đó, những thay đổi về kiểu dáng, phong cách quyến rũ dần “chiếm lĩnh” cảm tình của cô dâu. Vì vậy những chiếc váy cưới trễ vai, váy cưới đuôi cá ngày một nhiều.
Thập niên 1990 – 2000: Như một vòng quay của áo cưới xưa và nay, đây lại là lúc váy cưới đơn giản lên ngôi. Từ kiểu dáng, màu sắc đến làm tóc, trang điểm đều theo hướng tự nhiên nhất. Trải qua cả trăm năm, những định kiến xã hội cũng thay đổi. Nên các cô dâu bắt đầu mặc những chiếc váy cưới trễ vai, váy cưới cúp ngực nhiều hơn.
Có thể thấy rằng áo cưới xưa và nay có những biến đổi quan trọng và chúng vẫn tiếp tục thay đổi từng ngày. Nhờ lưu giữ trọn nét giá trị truyền thống và “hào phóng” đón nhận những xu hướng mới của thời đại, thời trang váy cưới ngày càng nhộn nhịp, tạo nhiều dấu ấn mới giúp cô dâu tỏa sáng đúng nghĩa ngày trọng đại. Hy vọng bài viết này mang đến cho cô dâu cái nhìn toàn diện hơn về trang phục cưới xưa và nay của người Việt, để có thể lựa chọn cho mình chiếc đầm cô dâu mơ ước. Còn nàng, nàng thích một chiếc váy cưới hiện đại hay chiếc áo cưới truyền thống cho ngày trọng đại? Hãy cho IDO BRIDAL 89 biết nhé!