Theo phong tục truyền thống của Việt Nam, lễ ăn hỏi là một nghi lễ quan trọng, đánh dấu bước đầu cho mối quan hệ thông gia giữa hai nhà trai và nhà gái. Để hiểu được lễ ăn hỏi là gì? Lễ ăn hỏi gồm những gì và những vấn đề khác, cùng IDO tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng nhất trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam thường được tổ chức trước lễ cưới. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Để thể hiện thành ý của mình, trong lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ mang sính lễ sang tặng cho nhà gái. Nếu nhà gái đồng ý với lời ngỏ cưới của nhà trai thì sẽ nhận sính lễ và hai bên gia đình sẽ cùng nhau bàn bạc tổ chức lễ cưới cho hai con.
Về mặt ý nghĩa, lễ ăn hỏi là nghi lễ thể hiện sự đồng ý của gia đình hai bên với hôn sự của cặp uyên ương. Bên cạnh đó, lễ ăn hỏi cũng là dịp để chú rể và gia đình nhà trai thể hiện thành ý và lòng biết ơn của mình đối với nhà gái đã có công sinh thành và dưỡng dục cô dâu.
Ngoài ra, lễ ăn hỏi còn được gọi với những cái tên khác, đó là đám hỏi, lễ đính hôn Như vậy chắc chắn nhiều bạn đã có được câu trả lời cho đám hỏi là gì rồi có đúng không nào?
Thời điểm tổ chức lễ ăn hỏi
Với việc hiểu được lễ ăn hỏi là gì và lễ ăn hỏi còn gọi là gì thì bạn cũng nên biết được thời điểm tổ chức lễ ăn hỏi là khi nào?
Thông thường, theo truyền thống thì lễ ăn hỏi sẽ được tổ chức trước lễ cưới một thời gian. Lúc này gia đình hai bên cần thống nhất một ngày thuận tiện cho cả hai bên để tổ chức lễ ăn hỏi là được vì không nhất thiết phải xem ngày hợp tuổi cô dâu và chú rể vì đây chỉ là lễ ăn hỏi chứ không phải lễ cưới. Nếu gia đình nào cẩn thận hơn thì có thể xem thầy phong thủy để chọn ngày đẹp.
Trường hợp khoảng cách giữa nhà trai và nhà gái quá xa thì người ta sẽ gộp lễ ăn hỏi và lễ cưới để tiết kiệm thời gian và chi phí cho hai bên gia đình. Tùy vào phong tục tập quán, thỏa thuận giữa hai bên gia đình, xem tuổi cô dâu chú rể mà quyết định ngày giờ tổ chức lễ ăn hỏi sao cho phù hợp và thuận lợi nhất.
Thành phần tham gia lễ ăn hỏi
Vì nghi thức lễ hỏi rất quan trọng nên cần có sự tham gia đầy đủ của các thành viên trong gia đình. Cụ thể :
Thành phần tham gia lễ ăn hỏi của nhà trai gồm có chú rể, cha mẹ, ông bà chú rể, anh chị em, họ hàng của chú rể.
Ngoài ra còn có đội bê tráp phụ trách bưng mâm lễ vật của nhà trai sang nhà gái. Số lượng người bê tráp tương ứng với số lượng tráp ăn hỏi như 5, 7 hoặc 9 người.
Tương tự như bên nhà trai, thành phần tham gia lễ ăn hỏi của nhà gái gồm cô dâu, ông bà, bố mẹ, anh chị em và họ hàng của cô dâu.
Bên nhà gái cũng có một đội bê tráp nữ để nhận mâm quả do bên nhà trai trao. Số lượng người của đội nữ tương đương với số lượng người bê tráp của bên nhà nhà trai.
Nên mặc gì trong lễ ăn hỏi?
Cô dâu nên lựa chọn trang phục phù hợp với phong cách của lễ ăn hỏi. Ví dụ, nếu lễ ăn hỏi có phong cách truyền thống thì cô dâu nên mặc áo dài truyền thống. Còn với lễ ăn hỏi có phong cách hiện đại, cô dâu có thể mặc váy suông dài, đi kèm với những phụ kiện trang sức như dây chuyền, hoa tai, lắc tay…
Cô dâu nên cân nhắc những trang phục có màu sắc tươi sáng như đỏ, hồng, vàng hoặc trắng với chất liệu thấm hút mồ hôi và co giãn tốt như lụa tơ tằm hoặc gấm.
Về phía chú rể, bạn nên chọn trang phục ăn hỏi tương xứng với trang phục của cô dâu để thể hiện sự có đôi có cặp. Ví dụ, nếu cô dâu lựa chọn áo dài trong lễ hỏi truyền thống, chú rể có thể lựa chọn áo dài nam, còn với lễ hỏi phong cách hiện đại thì sơ mi trắng – quần âu hoặc vest sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho chú rể.
Bố mẹ cô dâu chú rể nên lựa chọn trang phục theo sở thích, tuy nhiên vẫn phải đáp ứng sự chỉn chu và lịch sự. Bố mẹ và người thân gia đình hai bên có thể lựa chọn áo dài nam – nữ hoặc vest – váy công sở nếu ưa thích phong cách hiện đại.
Một phần quan trọng không kém đó là trang phục của đội bê tráp. Đội bê tráp nên chọn trang phục theo phong cách của cô dâu chú rể. Thông thường, đội bê tráp có thể lựa chọn áo dài truyền thống cho nam và nữ hoặc đội bê tráp nam có thể chọn trang phục sơ mi trắng – quần âu, còn đội bê tráp nữ là áo dài cách tân.
Lễ ăn hỏi và lễ dạm ngõ khác nhau như thế nào?
Tuy có điểm chung đều là nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong truyền thống cưới hỏi Việt Nam, đều được tổ chức tại nhà gái và nhà trai đem lễ vật qua. Song lễ ăn hỏi và lễ dạm ngõ có những điểm khác nhau về những tiêu chí đó là : thời điểm tổ chức, mục đích, thành phần tham dự và lễ vật. Cụ thể :
Lễ ăn hỏi | Lễ dạm ngõ | |
Thời điểm tổ chức | Được tổ chức trước lễ cưới khoảng 1 tháng hoặc có thể gộp lễ ăn hỏi và lễ cưới làm một | Được tổ chức trước lễ cưới khoảng 2 – 3 tháng |
Mục đích | Là dịp nhà trai mang sính lễ đến hỏi cưới cô dâu và thông báo chính thức hôn sự đến toàn thể quan viên hai họ | Là buổi gặp mặt đầu tiên của hai gia đình để nhà trai đặt vấn đề cho cặp đôi chính thức qua lại và tìm hiểu nhau |
Thành phần tham dự | Gồm người thân, họ hàng, bạn bè thân thiết của cô dâu chú rể, khoảng 50 – 100 người | Chỉ gồm có người thân trong gia đình cô dâu chú rể, mỗi bên khoảng 5 – 10 người |
Lễ vật | Cần tối thiểu 5 tráp lễ khác nhau, cơ bản gồm trầu cau, rượu thuốc, bánh cốm, hoa quả, chè mứt, lễ đen | Chỉ gồm 1 khay duy nhất, gồm trầu cau, hoa quả, chè thuốc |
Sính lễ đám hỏi gồm những gì?
Tráp ăn hỏi là gì?
Tráp ăn hỏi hay mâm quả đám hỏi là sính lễ mà nhà trai mang tặng nhà gái thay cho lời cảm ơn công sức sinh thành dưỡng dục cô dâu. Tùy vào từng vùng miền mà số lượng tráp ăn hỏi có sự khác nhau nhưng thường có những lễ vật quan trọng là : trầu cau, rượu thuốc, hoa quả, bánh cốm, bánh phu thê, chè mứt, xôi gà, lợn sữa.
Số lượng tráp ăn hỏi
Như đã đề cập ở trên, tùy phong tục văn hóa mà số lượng tráp ăn hỏi tại mỗi vùng miền sẽ khác nhau.
Số lượng tráp ăn hỏi miền Bắc: Tại miền Bắc, số lượng tráp ăn hỏi thường là số lẻ như 5, 7, 9, 11 tráp nhưng lễ vật trong tráp phải là số chẵn để thể hiện sự có đôi có cặp trong hôn nhân. Tráp ăn hỏi miền Bắc thường có trầu cau, rượu thuốc, bánh cốm, chè mứt sen và hoa quả.
Số lượng tráp ăn hỏi miền Trung thường có 5 tráp với các lễ vật tương tự như của miền Bắc nhưng có thêm đôi nến tơ hồng để thắp lên bàn thờ gia tiên nhà gái.
Số lượng tráp ăn hỏi miền Nam thường là số chẵn như 6, 8, 10 tráp, thể hiện ý nghĩa phát tài phát lộc, trọn vẹn trong hôn nhân. Lễ vật đám hỏi miền Nam thường có trầu cau, rượu thuốc, trà bánh, mâm xôi gà và hoa quả.
Ý nghĩa của từng tráp lễ ăn hỏi
Trong những sính lễ đám hỏi nhà trai mang đến nhà gái, mỗi tráp lễ lại có một ý nghĩa khác nhau:
Tráp trầu cau
Đây là lễ vật không thể thiếu trong đám hỏi của cả 3 miền. Gắn với truyền thuyết xưa, trầu cau biểu tượng cho tình nghĩa gắn bó keo sơn bền chặt của vợ chồng. Mỗi tráp trầu cau cần một buồng cau từ 60 – 100 quả, một bó lá trầu và 3 cành vỏ cây chay. Ở miền Nam, người ta thường chuẩn bị 105 quả cau và 210 lá trầu với ý nghĩa chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc. Còn tại miền Trung, đặc biệt là Huế, mâm trầu cau còn đi kèm với muối và gừng, tượng trưng cho “gừng cay muối mặn”, cầu chúc cho cặp đôi luôn chung thủy, mặn mà với nhau.
Tráp rượu thuốc
Tráp rượu thuốc được coi là lời mời của con cháu tới ông bà tổ tiên về chứng giám cho ngày vui của cặp đôi. Bên cạnh đó, vị cay nồng của rượu còn tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân của vợ chồng sau này có thể có khó khăn, trắc trở nhưng hai người sẽ luôn sánh bước bên nhau. Ngoài ra, tại miền Trung và miền Nam sẽ có kèm thêm cặp nến tơ hồng hoặc cặp nến long phụng, tượng trưng cho tình yêu nồng cháy của đôi uyên ương.
Tráp bánh cốm, bánh phu thê thể hiện tình nghĩa vợ chồng. Với vẻ ngoài vuông vức của bánh cốm và tròn trịa của bánh phu thê là lời cầu mong cho cuộc sống hôn nhân sau này của hai vợ chồng luôn vẹn tròn, viên mãn.
Tráp hoa quả thể hiện tình yêu luôn ngọt ngào tươi mới và tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc đầy đủ của hai vợ chồng. Các loại quả thường được chọn như bưởi, táo, na, đu đủ, thanh long, lê… Đặc biệt, kiêng những loại quả có vị đắng, chua, chát hoặc có tên không hay.
Tráp chè, mứt hạt sen thể hiện tình yêu có đủ đắng cay ngọt bùi. Đây là lễ vật thường xuất hiện trong tráp ăn hỏi miền Bắc. Vị ngọt của mứt sen tượng trưng cho tình cảm ngọt ngào của cặp đôi. Đồng thời tráp lễ còn nhằm chúc phúc cho cô dâu chú rể có được cuộc sống sung túc, ấm no về sau.
Tráp xôi gấc – gà : Màu đỏ của xôi gấc là lời chúc phúc cho cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng luôn gặp nhiều may mắn. Ngoài ra, còn tượng trưng cho sự thủy chung, bền chặt của cặp đôi dù cuộc sống có gặp khó khăn, trắc trở.
Tráp lợn sữa quay thể hiện sự dư dả tài lộc. Tráp lợn sữa gồm một con heo sữa từ 10 – 15kg được quay vàng ruộm, trang trí bằng khăn lụa đỏ và hoa giấy và chữ Hỷ. Ngoài ra, có thể trang trí thêm cà rốt, khoai tây để tráp lễ trông đầy đặn hơn.
Đám hỏi cần chuẩn bị gì?
Để trả lời câu hỏi đám hỏi cần chuẩn bị gì, chúng ta cần tìm hiểu những việc mỗi gia đình cần chuẩn bị cho đám hỏi.
Đám hỏi nhà trai cần chuẩn bị những gì?
Lễ ăn hỏi nhà trai cần chuẩn bị những gì? Những thứ nhà trai cần chuẩn bị chủ yếu là các loại sính lễ đám hỏi. Trước đám hỏi, nhà trai cần lên danh sách lễ vật đám hỏi đã bàn bạc và thống nhất với nhà gái, mua đủ số lượng và chủng loại. Các lễ vật này cần được trang trí và đặt vào các tráp; nhà trai có thể tự chuẩn bị hoặc tìm dịch vụ cung cấp tráp ăn hỏi.
Bên cạnh đó, cần phải có một đội bê tráp để mang những sính lễ này đến nhà gái. Nếu có người thân, bạn bè, đồng nghiệp thì bạn có thể nhờ họ bưng mâm quả, nếu không đủ người thì bạn phải tính đến việc thuê dịch vụ bê tráp.
Ngoài ra, nhà trai còn cần chuẩn bị phương tiện để thuận tiện cho việc di chuyển và mang tráp lễ ăn hỏi đến nhà gái. Gia đình nhà trai nên chuẩn bị khoảng 1 – 2 chiếc ô tô 16 chỗ, lưu ý tham khảo giá cả, chất lượng xe, cốp xe có đủ rộng để để tráp lễ hay không…
Lễ ăn hỏi nhà gái cần chuẩn bị những gì?
Với lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ đóng vai trò là chủ nhà nên sẽ cần chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất, chỉn chu để đón khách để thể hiện sự hiếu khách và tôn trọng đối với nhà trai.
Công việc đầu tiên mà nhà gái cần chuẩn bị cho đám hỏi đó là dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, có thể trang trí thêm trần hoặc tường với những vật dụng trang trí như chữ Hỷ hoặc hoa tươi để căn nhà thêm đẹp và nổi bật.
Việc tiếp theo không kém phần quan trọng đó là trang trí bàn thờ gia tiên. Nhà gái cần lau dọn bàn thờ tổ tiên sạch sẽ, chuẩn bị sẵn nhang đèn và lễ vật như bình hoa tươi, mâm ngũ quả, đĩa xôi…để ban thờ thêm tươm tất. Khi cử hành nghi thức lễ hỏi xong, cô dâu chú rể sẽ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị sẵn mọi thứ sẽ giúp nghi lễ diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, cổng hoa, rạp đám hỏi và bàn ghế cũng cần được chuẩn bị trước, nếu gia đình không có đủ thời gian và vật dụng cần thiết thì có thể liên hệ đơn vị cung cấp dịch vụ đám hỏi để thuê trọn gói với mức chi phí phù hợp.
Ngoài ra, để chu đáo hơn, nhà gái nên sắp xếp nơi đậu xe cho nhà trai, để thuận tiện cho việc đi lại, di chuyển.
Đối với những đám hỏi được tổ chức lễ cưới một thời gian, sau khi kết thúc, nhà gái sẽ mời nhà trai ở lại cùng ăn bữa cơm thân mật, đánh dấu bước đầu tạo mối quan hệ thông gia, do đó nhà gái cũng nên chuẩn bị sẵn. Nhà gái có thể tự chuẩn bị hoặc đặt người nấu tại nhà hoặc đặt tiệc tại nhà hàng nếu không đủ thời gian và nhân lực.
Thủ tục lễ ăn hỏi gồm những gì?
Mỗi vùng miền sẽ có cách tổ chức lễ ăn hỏi khác nhau theo phong tục tập quán của địa phương mình. Nhưng nhìn chung, thủ tục lễ ăn hỏi gồm những bước như sau :
Bước 1: Nhà trai rước lễ đến nhà gái
Vào ngày giờ đã định, nhà trai sẽ cùng dàn bê tráp nam mang tráp lễ ăn hỏi đã chuẩn bị sẵn đến nhà gái. Đội hình tiến vào nhà gái được sắp xếp theo thứ tự bắt đầu từ ông bà, bố mẹ chú rể, các bác, cô chú, cuối cùng là chú rể và đội bê tráp.
Đội hình tráp sắp xếp theo thứ tự lần lượt là tráp trầu cau, tráp rượu thuốc, tráp lợn sữa, tráp hoa quả, tráp xôi gà và cuối cùng là các tráp cao như tráp bánh cốm/bánh phu thê và tráp chè – mứt hạt sen. Đội hình bê tráp có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của hai bên và sự chỉ đạo của nhiếp ảnh gia để có những bức hình đẹp nhất.
Bước 2: Nhà gái nhận tráp lễ từ nhà trai
Khi nhà trai tiến vào, nhà gái cũng cần sắp xếp đội hình theo vai vế : các cụ lớn tuổi ở đầu, tiếp đến là bố mẹ cô dâu, các bác, các cô chú và cuối cùng là đội bê tráp nhà gái. Sau khi trao nhận tráp ăn hỏi xong, đội bê tráp sẽ di chuyển các tráp vào khu vực gia tiên đã được chuẩn bị sẵn. Sau đó hai đội sẽ tiến hành trao lì xì cho nhau để tránh việc bê tráp mất duyên cũng như tượng trưng cho việc trao duyên giữa hai bên gia đình.
Bước 3: Chú rể lên gặp mặt cô dâu
Theo trình tự lễ ăn hỏi tại nhà gái, sau khi sắp xếp xong tráp lễ ăn hỏi và được sự cho phép của nhà gái, chú rể sẽ lên phòng cô dâu và dẫn cô dâu xuống làm lễ gia tiên. Khi hoàn tất việc thắp hương, lễ gia tiên, cô dâu chú rể sẽ tiến hành chào hỏi hai bên gia đình, bạn bè bằng cách mời nước và dùng tiệc ngọt.
Bước 4: Hai bên gia đình tiến hành nghi lễ ăn hỏi
Nhà trai sẽ cử đại diện đứng lên phát biểu trong lễ ăn hỏi để thông báo về việc nhà trai xin hỏi cưới cô dâu và mong muốn nhà gái chấp thuận. Nội dung của bài phát biểu trong lễ ăn hỏi của nhà trai bao gồm giới thiệu thành phần tham dự của bên nhà trai, lý do đến thăm nhà gái hôm nay, giới thiệu sính lễ mang sang và lời xin phép nhà gái nhận sính lễ và đồng ý cho phép tổ chức hôn lễ cho hai con.
Sau đó, nhà gái cũng có đại diện phát biểu hứa gả cô gái cho chàng trai.
Bước 5: Nhà gái đáp lại lễ vật của nhà trai
Sau khi trao sính lễ, bố mẹ cô dâu sẽ lấy một ít bày lên bàn thờ gia tiên. Kết thúc buổi lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ trả lễ ăn hỏi cho nhà trai. Hẳn nhiều người cũng sẽ băn khoăn rằng lại quả cho nhà trai gồm những gì? Câu trả lời là gồm một ít trầu cau, bánh trái và chè cho nhà trai bằng túi nhỏ được chuẩn bị sẵn trong từng tráp lễ, số còn lại sẽ được chia cho họ hàng và người thân. Lưu ý khi trả lễ ăn hỏi, tất cả lễ vật được chia đều, tách bằng tay, đối với cau thì phải xé chứ không được dùng dao, kéo để cắt và mâm quả khi được trả lại cho nhà trai phải để ngửa nắp. Tùy thuộc vào từng gia đình, nhà gái có thể mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm thân mật.
Trên đây là trình tự lễ ăn hỏi cơ bản, vậy lễ ăn hỏi ở các vùng miền có gì khác nhau không?
Nhìn chung, nghi lễ đám hỏi ở miền Nam khá giống với nghi lễ đám hỏi ở miền Bắc và miền Trung khi gồm các bước như trao nhận mâm sính lễ; mời nước, trò chuyện; chú rể đón cô dâu ra mắt quan viên hai họ; cô dâu chú rể làm lễ gia tiên; nhà trai nhà gái bàn bạc về đám cưới; nhà gái lại quả cho nhà trai; mời tiệc họ nhà trai (tùy từng gia đình). Nghi thức lễ hỏi tại các miền chỉ khác nhau ở một điểm đó là đám hỏi cần những gì – sính lễ đám hỏi.
Những lưu ý trong lễ ăn hỏi không nên bỏ qua
Để trình tự lễ ăn hỏi được diễn ra thuận lợi, vui vẻ, các gia đình hãy lưu ý một số điều như sau :
1. Cô dâu xuất hiện trước quan viên hai họ trước khi được chú rể lên đón
Đây là một tục lệ của người Việt Nam, nếu cô dâu hiện diện trước khi được chú rể lên phòng đón xuống sẽ bị cho là thiếu lễ phép, vô duyên. Thông thường cô dâu sẽ chờ trong phòng, sau khi nhà trai mang sính lễ đến nhà gái và chú rể đến đón mới được có mặt trong buổi lễ.
2. Người đang chịu tang không nên tham gia lễ ăn hỏi
Việc gia đình đoàn tụ, chung vui trong lễ ăn hỏi là một điều tốt tuy nhiên những người đang chịu tang không nên tham gia lễ ăn hỏi để tránh mang lại những điều kém may mắn cho cặp đôi. Sau 100 ngày, người chịu tang có thể tham gia nhưng cũng nên hạn chế tiếp xúc với cô dâu chú rể.
3. Không dùng dao kéo để chia lễ
Khi thực hiện thủ tục trả lễ ăn hỏi cho nhà trai, chỉ nên dùng tay để tách ra chứ không nên dùng dao/kéo. Theo quan niệm xưa, việc dùng dao kéo sẽ mang lại sự chia cách cho đôi lứa.
4. Tránh đổ vỡ trong ngày đám hỏi
Hai gia đình cần dọn dẹp, sắp xếp gọn gàng những đồ đạc dễ vỡ như bát đĩa, gương, lọ/bình thủy tinh…để tránh việc đi lại gây đổ vỡ. Đây được coi là điềm xấu, thể hiện sự chia cách, đổ vỡ trong hôn nhân theo quan niệm của người Việt.
5. Tránh việc chuẩn bị bàn thờ gia tiên quá sơ sài
Hai gia đình cần dọn dẹp sạch sẽ và trang trí bàn thờ gia tiên chu đáo để mời tổ tiên cùng về chứng giám cho ngày vui và phù hộ cho cặp đôi luôn hạnh phúc, thuận lợi trong cuộc sống hôn nhân sau này. Đồng thời việc sửa soạn bàn thờ gia tiên chỉn chu cũng là cách thể hiện sự biết ơn và lòng thành kính của con cháu với tổ tiên.
[A-Z] Các vấn đề liên quan đến lễ ăn hỏi
Ngày ăn hỏi hay ngày cưới quan trọng hơn?
Đây đều là hai nghi lễ quan trọng, xét theo phong tục truyền thống hôn nhân của người Việt, đám hỏi có độ quan trọng không kém lễ cưới. Đây là tiền đề quan trọng mở ra mối quan hệ gắn bó cho hai gia đình từ đây trở về sau. Khi đám hỏi kết thúc, cô dâu chú rể chính thức trở thành vợ chồng sắp cưới và bắt đầu xưng hô thân mật với bố mẹ hai bên.
Đám hỏi có bưng quả không?
Bưng quả hay bưng lễ, bê tráp là phong tục không thể thiếu trong truyền thống cưới hỏi của người Việt Nam. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ mang lễ vật tới nhà gái, trước là để dâng lên bàn thờ tổ tiên nhà gái, sau là để xin phép gia đình nhà gái cho chú rể và cô dâu được se duyên. Đội bưng quả là những người được chọn ra từ nhà trai và nhà gái với số lượng nhất định để tiến hành nghi lễ trao và nhận tráp trong lễ ăn hỏi.
Đám hỏi có đi tiền không?
Đây là một trong những câu hỏi của khá nhiều người bởi thông thường người ta sẽ đi tiền vào ngày đám cưới hơn là ngày đám hỏi. Bên cạnh đó, thành phần tham dự lễ ăn hỏi đều là những người trong gia đình, anh chị em, họ hàng, bạn bè thân thiết của cặp đôi. Cho nên việc đi tiền đám hỏi là không cần thiết, trong ngày này, cô dâu thường mong muốn sự góp mặt của những người trong gia đình để cùng nhau chung vui và chúc mừng cho ngày cô dâu sắp lên xe hoa về nhà chồng.
Lễ nạp tài và lễ ăn hỏi là sao?
Theo tục lễ xưa, lễ nạp tài hay còn gọi là lễ dẫn cưới được tổ chức vào một buổi lễ riêng và được thực hiện trang trọng như lễ ăn hỏi, lễ cưới. Tuy nhiên, theo thời gian, để phù hợp với đời sống hiện đại và để đơn giản, thuận tiện cho cả hai gia đình thì người ta sẽ gộp chung lễ nạp tài vào lễ ăn hỏi.
Sau đám hỏi có được ở chung?
Tùy quan niệm của từng gia đình và mối quan hệ tình cảm của cô dâu chú rể mà sau lễ ăn hỏi cặp đôi có thể về ở chung hay không. Tuy nhiên, đa số các gia đình Việt Nam đều cho rằng cô dâu không nên về ở chung với chú rể cho tới khi có đăng ký kết hôn (là vợ chồng hợp pháp) và gần tới ngày tổ chức lễ cưới.
Hay như trường hợp đón dâu 2 lần, cô dâu cũng chỉ theo nhà trai về trong ngày lễ ăn hỏi và chỉ ở lại một đêm rồi sáng hôm sau lại về nhà mẹ đẻ, cho đến ngày cưới chính thức mới cùng về nhà chồng chung sống.
Gộp lễ ăn hỏi và lễ cưới có được không?
Nếu khoảng cách giữa nhà trai và nhà gái quá xa và khó khăn trong việc di chuyển thì hai gia đình hoàn toàn có thể gộp lễ ăn hỏi và lễ cưới vào chung một ngày để tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo đó, nhà trai vẫn chuẩn bị và mang sính lễ đến nhà gái như trình tự nghi lễ đám hỏi bình thường. Cuối cùng, nhà trai sẽ xin phép rước dâu về, bước ra khỏi nhà gái thì nghi lễ đã hoàn thành.