Theo phong tục truyền thống của Việt Nam, đám cưới được thực hiện với nhiều nghi lễ, công đoạn khác nhau. Tuy ngày nay chúng ta đã bỏ bớt một số thủ tục để đám cưới được đơn giản, phù hợp với đời sống hiện đại nhưng lễ đính hôn vẫn là một phần không thể thiếu trước khi tiến hành lễ kết hôn. Vậy lễ đính hôn là gì, trình tự, thủ tục tổ chức ra sao? Cùng IDO tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!
Lễ đính hôn là gì? Ý nghĩa của lễ đính hôn
Theo phong tục cưới hỏi Việt Nam, lễ đính hôn còn được gọi là lễ ăn hỏi hay đám hỏi, đây là một nghi thức truyền thống với ý nghĩa thông báo việc hứa gả con giữa hai gia đình với nhau.
Lễ đính hôn thông thường được tổ chức trước lễ cưới khoảng 1 tháng hoặc cũng có thể gộp chung với lễ cưới để tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây được xem là bước đệm đặc biệt để tiến tới lễ cưới chính thức nên sẽ có khá nhiều nghi thức quan trọng cần quan tâm như chuẩn bị gia tiên hay lễ vật…
Cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn?
Sau khi hiểu được lễ đính hôn là sao, chúng ta cần biết được việc chuẩn bị cho buổi lễ này như thế nào.
Công tác chuẩn bị cho lễ đính hôn rất quan trọng và cần được chuẩn bị cẩn thận, chỉn chu để buổi lễ được diễn ra một cách suôn sẻ, trọn vẹn. Vậy lễ đính hôn cần chuẩn bị gì? Cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo sau đây.
Lễ đính hôn nhà gái cần chuẩn bị những gì?
Để chuẩn bị cho lễ đính hôn, nhà gái cần trang trí bàn thờ gia tiên, trang hoàng lại nhà cửa, chuẩn bị bánh kẹo, trà, nước uống để tiếp đón nhà trai. Tùy theo phong tục địa phương và điều kiện từng gia đình mà nhà gái có thể chuẩn bị mâm cơm để mời nhà trai ở lại cùng thưởng thức.
Chuẩn bị bàn thờ gia tiên
Đầu tiên, gia đình nhà gái cần lau dọn sạch sẽ và trang trí bàn thờ gia tiên ngày đám hỏi sao cho đẹp mắt. Bạn có thể phủ thêm một tấm vải đỏ, hai bên trang trí bằng câu đối hoặc chữ song hỷ và đốt thêm hương trầm hoặc hương vòng để không khí phòng thờ thêm ấm cúng.
Bên cạnh đó, gia đình có thể chuẩn bị thêm hai bình hoa tươi hai bên, trên bàn thờ bày biện thêm mâm ngũ quả và một số lễ vật như một con gà luộc, đĩa xôi gấc để tăng thêm sự tươm tất khi mời ông bà tổ tiên về cùng trong buổi lễ đính hôn.
Trang trí nhà cửa
Nhà gái cần dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại bàn ghế để tạo không gian cho lễ đính hôn, chuẩn bị phông đám hỏi và trang trí cổng hoa cưới. Gia đình có thể trang trí cầu thang trong nhà với bóng bay, nơ, hoa tươi hoặc các dải lụa để ngôi nhà thêm nổi bật.
Chuẩn bị cỗ mặn
Bên cạnh những công việc trên, nhà gái cần chuẩn bị mâm cỗ mặn để mời nhà trai dùng bữa sau khi buổi lễ kết thúc. Tùy từng gia đình, mâm cơm thường có khoảng 5 – 9 món, gồm có : gà luộc, xôi, những món ăn mặn theo khẩu vị từng miền (chả mực, chả nem, miến…), canh củ quả. Nhà gái cũng có thể bổ sung thêm các món tráng miệng như hoa quả theo mùa, chè hoặc bánh ngọt.
Lễ đính hôn nhà trai cần chuẩn bị gì?
Ngoài việc trang trí nhà cửa và chuẩn bị mâm cưới như nhà gái thì nhà trai cần chuẩn bị thêm lễ vật và trang sức để mang sang nhà gái trong ngày lễ đính hôn. Cụ thể như sau :
Chuẩn bị lễ vật đính hôn
Nhà trai cần chuẩn bị lễ vật đính hôn/lễ vật ăn hỏi với số lượng tùy theo từng vùng miền và sự bàn bạc, thống nhất của hai gia đình. Ví dụ, miền Bắc thường yêu cầu sính lễ đính hôn gồm 5, 7 hoặc 9 tráp lễ còn miền Nam lại yêu cầu lễ vật theo số chẵn như 6, 8, 10 tráp.
Về lễ vật của từng tráp, cần có những lễ vật bắt buộc là trầu cau, trà và rượu. Nhà trai có thể chuẩn bị thêm hoa quả, mứt, bánh cốm, bánh phu thê, heo quay hoặc xôi gà để lễ vật thêm phong phú, đa dạng.
Chuẩn bị trang sức và tiền cảm ơn
Bên cạnh tráp ăn hỏi như trên, nhà trai cũng cần chuẩn bị thêm một số trang sức để trao cho cô dâu trong lễ đính hôn. Cơ bản, bộ trang sức bao gồm vòng cổ, khuyên tai và lắc tay. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình mà trang sức có thể làm từ vàng nguyên khối hoặc mạ vàng để phù hợp với ngân sách.
Bên cạnh đó, nhà trai cũng nên chuẩn bị thêm tiền cảm ơn hay còn gọi là lễ đen (theo phong tục miền Bắc) như lời cảm ơn bố mẹ cô dâu đã có công sinh thành, dưỡng dục con dâu tương lai cũng như chia sẻ một phần chi phí cho gia đình nhà gái.
Theo phong tục miền Bắc, tiền cảm ơn phải là số lẻ như 1 triệu, 3 triệu, 5 triệu, 7 triệu…còn người miền Nam lại quan niệm số tiền cảm ơn phải là số chẵn như 2 triệu hoặc 4 triệu. Và để phù hợp điều kiện tài chính của nhà trai, hai bên gia đình có thể bàn bạc với nhau để thống nhất số tiền này.
Trình tự nghi thức lễ đính hôn
Lễ đính hôn hẳn là rất quen thuộc với nhưng không phải ai cũng biết được trình tự đầy đủ để tổ chức ngày trọng đại này. Các bạn có thể tham khảo các bước thực hiện thủ tục lễ đính hôn như sau để buổi lễ được diễn ra một cách trọn vẹn nhất nhé.
Nhà trai chào hỏi và trao lễ vật cho nhà gái
Vào ngày giờ đã thống nhất, nhà trai sẽ mang lễ vật đính hôn đến nhà gái. Chủ hôn và chú rể sẽ bưng khay trầu cau và rượu vào nhà gái trước để trình diện lễ ăn hỏi. Nếu nhà gái chấp thuận thì nhà trai mới bước vào cùng những mâm sính lễ đính hôn phía sau và dâng lên bàn thờ gia tiên nhà gái.
Tiếp đến, đại diện hai bên gia đình sẽ lần lượt phát biểu và nói lời cảm ơn. Do lễ đính hôn chỉ kéo dài khoảng 30 phút – 1 tiếng nên đại diện hai nhà chỉ cần phát biểu ngắn gọn, đúng trọng điểm (khoảng 2 – 5 phút) để không ảnh hưởng đến thời gian và các nghi thức khác trong buổi lễ.
Cô dâu ra mắt hai họ
Sau khi đồng ý nhận tráp lễ vật của nhà trai, gia đình nhà gái sẽ cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào hỏi và ra mắt hai bên gia đình. Trước đó cô dâu không được tự ý xuất hiện trước quan viên hai họ mà phải chờ chú rể lên đón. Bởi theo quan niệm dân gian, hành động này bị đánh giá là thiếu lễ phép và cô dâu khi về nhà chồng sẽ không được xem trọng.
Sau khi ra mắt quan khách, cô dâu sẽ rót nước mời gia đình chú rể và chú rể sẽ rót nước mời gia đình cô dâu.
Cô dâu chú rể dâng hương lên bàn thờ gia tiên
Trong thời gian cô dâu chú rể ra mắt họ hàng, mẹ cô dâu sẽ lấy một số lễ vật trong tráp ăn hỏi và lễ đen và dâng lên bàn thờ gia tiên. Sau đó, bố mẹ cô dâu sẽ hướng dẫn cô dâu chú rể làm lễ gia tiên để ra mắt ông bà, tổ tiên nhà gái.
Mẹ chú rể trao nữ trang cho cô dâu
Ở nghi thức này, mẹ chú rể sẽ trao trang sức cho cô dâu với ý nghĩa tăng sự giàu sang và sung túc cho đôi uyên ương. Đồng thời thể hiện tình cảm thân thiết, sự trân trọng cô dâu và cũng là món quà kỷ niệm của mẹ chồng đối với nàng dâu.
Hai bên gia đình bàn bạc lễ cưới
Sau khi đã hoàn tất các nghi lễ trên, hai gia đình sẽ ngồi lại và bàn bạc các công việc tiếp theo để chuẩn bị cho ngày cưới của hai con cũng như thời gian tiến hành lễ cưới cùng những vấn đề liên quan khác.
Trong thời gian gia đình hai bên đang bàn bạc, cô dâu chú rể có thể mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.
Hai bên gia đình dùng bữa cơm thân mật
Kết thúc lễ đính hôn, gia đình nhà gái sẽ ở lại dùng bữa cơm thân mật với nhà gái để gia tăng sự thân thiết, gắn bó của hai bên gia đình. Đây cũng được coi là một hình thức cảm ơn của gia đình nhà gái với chú rể và là lời gửi gắm con gái với gia đình thông gia.
Nhà gái lại quả cho nhà trai
Trước khi ra về, nhà gái sẽ lấy một ít lễ vật từ tráp đính hôn để đáp lễ với nhà trai. Lễ nên được chia đều cho hai gia đình và phải được chia bằng tay, tránh dùng dao hoặc kéo để chia lễ. Mâm quả khi trả lễ phải để ngửa nắp bởi theo quan niệm dân gian, nếu không thực hiện điều này có thể sẽ mang lại sự chia cắt trong tương lai cho cô dâu chú rể.
Bài phát biểu trong lễ đính hôn
Lời phát biểu của nhà trai trong lễ đính hôn
Trong lễ đính hôn, nhà trai sẽ mở lời trước sau khi quan viên hai họ đã ổn định chỗ ngồi, việc phát biểu sẽ do chủ hôn – đại diện nhà trai đảm nhiệm. Bài phát biểu trong lễ đính hôn chỉ cần đầy đủ nội dung và thể hiện được sự trang trọng chứ không cần quá nhiều lời, tản mạn tránh mất thời gian và gây nhàm chán cho buổi lễ.
Sau đây là bài phát biểu trong lễ đính hôn của nhà trai, bạn có tham khảo :
“Kính thưa quan viên hai họ cùng các vị quan khách có mặt ở đây. Trước tiên tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất của toàn thể nhà trai tới gia đình nhà gái và kính chúc các ông, các bà bên họ nhà gái sức khỏe dồi dào làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc.
Tôi xin phép được giới thiệu thành phần gia đình nhà trai hôm nay: Tôi là ………….., Ông/bác/chú của cháu …………và là đại diện nhà trai. Còn đây là …………….., tiếp đến là bố mẹ và cậu mợ của cháu.
Sau một thời gian quen biết và tìm hiểu lẫn nhau, tình cảm đã đến hồi chín muồi cháu …………và cháu ………….mong muốn được về cùng nhau dưới một mái nhà, được làm vợ làm chồng của nhau. Thể theo nguyện vọng của hai cháu và sự cho phép của nhà gái hôm nay đoàn nhà trai chúng tôi đến đây xin được ra mắt với nhà gái và xin phép họ nhà gái tác thành cho hai cháu.
Đến với lễ Đính Hôn hôm nay, nhà trai chúng tôi chuẩn bị 5 tráp lễ vật đưa tới nhà gái, mong nhà gái chấp thuận để hai cháu nên vợ nên chồng. Tôi xin được mời mẹ của cháu ………….và mẹ cháu……………..cùng nhau mở tất cả các tráp lễ mà nhà trai đưa đến. Nhà trai chúng tôi cũng hy vọng gia đình nhà gái sẽ chấp thuận lễ vật và đồng ý cho hai cháu nên duyên hạnh phúc.”
Lời phát biểu của nhà gái trong lễ đính hôn
Sau khi mẹ cô dâu và chú rể mở hết tráp lễ vật, đại diện nhà gái sẽ đứng lên phát biểu, gửi lời cảm ơn và bày tỏ quan điểm. Bạn có thể tham khảo bài phát biểu trong lễ đính hôn của nhà gái sau đây :
“Trước tiên tôi tự giới thiệu, tôi là …………., là Ông/bà/bác/cậu của cháu ……… và là đại diện của họ nhà gái. Tham dự buổi lễ Đính Hôn hôm nay, nhà gái chúng tôi có bố mẹ, các bác, dì dượng và anh chị của cháu …………
Hôm nay ngày lành tháng tốt và nhà trai đã có lời thưa chuyện nên trước hết, gia đình nhà gái chúng tôi xin trân trọng cảm ơn nhà trai đã chuẩn bị lễ vật chu đáo. Chúng tôi cũng xin được chấp thuận để hai cháu tiến đến hôn nhân. Từ giờ phút này, coi như cháu……….và cháu …………..đã là con dâu, con rể của cả hai nhà, nếu hai cháu có nhỏ dại, mong gia đình dạy dỗ hai cháu để cả hai làm tròn bổn phận con cháu.
Nhà gái chúng tôi cũng hy vọng cuộc sống vợ chồng của hai cháu sẽ suôn sẻ, hạnh phúc bên nhau trọn đời. Thay mặt gia đình nhà gái, tôi xin mời nhà trai uống chén nước, ăn miếng trầu mừng hạnh phúc cho hai cháu.”
Làm lễ đính hôn cần bao nhiêu tiền?
Chi phí lễ đính hôn nhà gái
Trang trí bàn thờ gia tiên, phông bạt
Việc trang trí bàn thờ gia tiên và chuẩn bị phông bạt là công việc không thể nào thiếu được, thể hiện sự chu đáo, trân trọng khi tiếp đón nhà trai.
Nếu bạn không có nhiều thời gian và kinh nghiệm trang trí bàn thờ gia tiên và tự chuẩn bị phông bạt thì hiện nay, có rất nhiều dịch vụ trang trí gia tiên, phông bạt với nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc nhu cầu của gia đình mình mong muốn trang trí hoa tươi hay hoa lụa.
Giá dao động thuê trang trí gia tiên, phông bạt sẽ từ 2 – 5 triệu đồng.
Thuê trang phục
Tiếp đến là tiền thuê trang phục cho cô dâu và đội bê tráp. Vậy lễ đính hôn cô dâu mặc gì? Hiện nay, nhiều cô dâu muốn lưu giữ lại kỉ niệm sẽ chọn cách may hoặc thuê trang phục. Chi phí cho trang phục lễ đính hôn sẽ vào khoảng 1-3 triệu. Ngoài ra, cô dâu có thể tự chuẩn bị trang phục để tiết kiệm chi phí. Trang phục không cần quá cầu kỳ, chỉ cần lịch sự và nhã nhặn là được. Một số trang phục cô dâu có thể lựa chọn như đồ công sở, váy suông dài hoặc áo dài.
Tiền làm cỗ
Nhà gái sẽ phải chuẩn bị trước cả mâm cỗ để mời quan viên hai họ ở lại dùng bữa. Nếu không đủ thời gian và nhân lực chuẩn bị mâm cỗ, nhà gái có thể lựa chọn thuê đơn vị làm cỗ ngoài với mức chi phí cho mỗi mâm cỗ sẽ dao động khoảng từ 1,5-2 triệu cho một bàn tầm 10 người. Số lượng bao nhiêu bàn sẽ tùy thuộc vào lượng khách mời mà hai bên đã thống nhất.
Thuê trang điểm cô dâu
Với nhà gái sẽ tốn thêm một khoản chi phí để làm đẹp cho cô dâu, đó là chi phí thuê trang điểm. Cô dâu nào cũng muốn mình thật lộng lẫy trong lễ đính hôn. Vì vậy, việc bỏ tiền ra thuê trang điểm là hết sức phù hợp. Chi phí cho việc này dao động từ 1-2 triệu.
Ngoài ra, thì cũng cần có tiền để lì xì cho đội bê tráp. Chi phí cho khoản này sẽ dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/người,tùy thuộc xem cô dâu chú rể thống nhất số tiền lì xì là bao nhiêu và số lượng người bê tráp.
Chi phí lễ đính hôn nhà trai
Trang trí
Thông thường vào lễ đính hôn, nhà trai sẽ cần bỏ ra chi phí lớn hơn vì phải lo nhiều khoản lễ nghĩa hơn nhà gái. Tuy lễ đính hôn không tổ chức tại nhà trai, nhưng nhà trai cũng nên trang trí nhà cửa, phông bạt đầy đủ. Để khi khách mời đến dự lễ sẽ có chỗ ngồi và uống nước. Chi phí cho trang trí này sẽ dao động vào khoảng 2-4 triệu.
Mâm quả
Chi phí thứ hai và cũng rất quan trọng là tiền mâm lễ tráp. Tùy điều kiện và số lượng mâm tráp mà hai bên gia đình thống nhất. Từ đó nhà trai sẽ làm tương ứng số mâm tráp như vậy. Tiền sắm tráp cho lễ đính hôn sẽ dao động từ 3-9 triệu. Tùy thuộc số mâm tráp và nguyên liệu trên mâm tráp.
Lễ đen
Tiếp theo là tiền lễ đen. Tùy thuộc vào phong tục từng nơi, đã có một số vùng bỏ luôn lễ đen. Tuy nhiên, khoản lễ đen này nếu vẫn được sử dụng thì sẽ dao động từ 3-5 triệu.
Thuê xe
Tiền thuê xe sẽ tùy thuộc vào số lượng người tham gia lễ đính hôn và khoảng cách giữa nhà trai và nhà gái. Nếu chỉ di chuyển bằng ô tô từ nhà trai sang nhà gái thì khoản tiền sẽ dao động khoảng từ 2-5 triệu.
Thuê trang phục
Ngoài tiền thuê trang phục lễ đính hôn cho chú rể và đội bê tráp còn bao gồm cả tiền lì xì cho đội bê tráp. Tất cả sẽ dao động khoảng 2-4 triệu. Tùy thuộc vào trang phục chú rể chọn để thuê.
Tóm lại, chi phí cho lễ đính hôn đơn giản khoảng 6.5 – 14 triệu với nhà gái và khoảng 12 – 27 triệu đối với nhà trai. Hai bên gia đình có thể cân đối chi phí, với những công việc có thể tự chuẩn bị, bạn có thể lược bớt để dồn chi phí cho những công việc quan trọng khác.
Các câu hỏi liên quan đến lễ đính hôn
Lễ đính hôn có phải là đám hỏi không?
Cả lễ đính hôn và lễ ăn hỏi đều là một nghi thức trong phong tục cưới hỏi Việt Nam và đều có cùng một ý nghĩa đánh dấu đôi trẻ được đính ước, sẽ trở thành vợ chồng trong tương lai. Chỉ duy nhất khác tên gọi theo vùng miền, miền Bắc gọi là lễ hỏi/đám hỏi còn miền Nam gọi là lễ đính hôn.
Ở miền Bắc, lễ đính hôn thường được tổ chức đậm chất truyền thống, không bị ảnh hưởng theo phong cách của phương Tây. Bởi đây là nghi thức quan trọng, có ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của cả hai họ, nên được tổ chức rất trang nghiêm.
Còn tại miền Nam, người ta không đặt nặng nét truyền thống trong khâu tổ chức, nên có xu hướng giản lược các nghi thức và thêm vào các hoạt động vui chơi hay tiệc tùng sau nghi lễ chính. Trong lễ đính hôn, cô dâu chú rể có thể ngỏ lời cầu hôn nhau trước mặt cha mẹ và bạn bè, cùng nhau nâng ly rượu giao bôi để gắn kết thêm tình chồng vợ.
Lễ đính hôn có mời thiệp không?
Tùy vào từng gia đình và sự thống nhất, bàn bạc giữa nhà trai và nhà gái mà có thể gửi thiệp mời hoặc không. Bởi lễ đính hôn chỉ có người thân của cô dâu chú rể như ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác, số lượng mỗi bên khoảng 5 – 9 người và một số bạn bè của cô dâu chú rể (nếu có).
Khách mời lễ đính hôn gồm những ai?
Như đã đề cập ở trên, thành phần tham gia lễ đính hôn bao gồm người thân của cô dâu chú rể và bạn bè, nếu có. Cụ thể :
Nhà trai: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết và đội bê tráp nam.
Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết và đội bê tráp nữ
Lưu ý: Số lượng người trong đội bê tráp của cả nhà trai và nhà gái phải bằng nhau.
Lễ đính hôn cô dâu có cầm hoa không?
Theo quan niệm xưa, cô dâu chỉ cầm hoa vào ngày cưới, tức chỉ thực hiện trao hoa cưới một lần trong đời. Tóm lại, người xưa không có phong tục cầm hoa trong lễ đính hôn, do đó nhiều cô dâu lựa chọn không cầm hoa ngày đính hôn. Ngày nay quan niệm trên cũng không quá nặng nề cũng như muốn giúp cặp đôi trở nên nổi bật và đỡ trống tay hơn, người ta vẫn chuẩn bị thêm một bó hoa. Tuy nhiên để tránh những điều không may mắn thì bó hoa sẽ do cô dâu hoặc nhà gái tự chuẩn bị chứ không để chú rể mang đến.
Lễ đính hôn có trao nhẫn không?
Theo truyền thống của người Việt Nam, trong đám hỏi hay lễ đính hôn thì nhẫn đính hôn là vật không thể thiếu. Khi thực hiện nghi thức đính hôn, cô dâu chú rể sẽ tiến hành trao nhẫn đính hôn cho nhau. Hành động này sẽ được hai bên gia đình chứng kiến, chứng minh cho tình yêu của cặp đôi đã đơm hoa kết trái. Do đó, việc trao nhẫn trong lễ đính hôn là một nghi thức quan trọng, không thể lược bỏ.